Tại buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 9/10, các lãnh đạo bệnh viện, đại diện trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn đã đóng góp nhiều ý kiến cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Với những bài học kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch vừa qua, các y, bác sĩ cũng bày tỏ nhiều suy nghĩ đối với việc phát triển ngành y để đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian tới.
Đối với vấn đề tác động trực tiếp đến người dân và tình hình dịch bệnh, đa số ý kiến của các bác sĩ tại buổi làm việc đều mong muốn sớm có hướng dẫn, quy định về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ. Theo các y, bác sĩ tham dự, đây là một trong những vấn đề cấp thiết cần thực hiện khi TPHCM cùng cả nước từng bước mở lại các hoạt động.
TPHCM còn 3 tháng để tiêm cho các cháu
Chia sẻ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội tham dự, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết. trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố cùng cả nước đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp trẻ em nhiễm SARS-CoV-2. Dù đa số trẻ nhỏ nhiễm bệnh mắc độ nhẹ, nhưng vẫn tồn tại một số bé béo phì, bệnh nền gặp diễn tiến nặng, cần can thiệp ECMO và tử vong.
Trong thực tế, khi mở cửa trở lại, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 là trẻ em tăng cao. Với sự phức tạp của biến chủng Delta, trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nếu chưa được tiêm vaccine Covid-19.
"TPHCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em đang độ tuổi tới trường. Khi người lớn đã được chích ngừa đa số, sự nguy hiểm của dịch bệnh sẽ dồn về nhóm đối tượng này", bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng nhìn nhận.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, TPHCM đã đưa ra lộ trình dự kiện cho các cháu tới trường vào tháng 1 năm 2022. Như vậy, thành phố còn 3 tháng để thực hiện việc tiêm vaccine Covid-19 cho các cháu để đảm bảo an toàn trước khi quay lại học tập.
Bác sĩ Hùng cho biết, thành phố đã có đủ điều kiện để thực hiện phần việc này khi Chính phủ và Quốc hội mới phê chuẩn mua 10 triệu liều vaccine Covid-19 Abdala - loại vaccine có thể dùng tiêm cho trẻ em. Bên cạnh đó, sắp tới , vaccine Pfizer cũng có thể được dùng để tiêm cho trẻ trên 5 tuổi.
"So với người lớn, tỷ lệ trẻ em tử vong vì Covid-19 không cao, nhưng chưa thể nói trước khi xuất hiện các biến chủng mới. Ngoài ra, chúng ta chưa thể biết được tác động của dịch bệnh lên thể chất, tinh thần về lâu dài", Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 bày tỏ.
Cùng ý kiến trên, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), cho rằng, việc tiêm vaccine Covid-19 và vấn đề cấp thiết, cần Chính phủ và Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn.
Bác sĩ Tuyết dẫn chứng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, thậm chí trên 2 tuổi. Khoa học đã chứng minh mức độ hiệu quả của tính an toàn, hiệu quả về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các bé.
Bao phủ vaccine Covid-19 cho 70% người dân năm 2021
Trả lời các ý kiến của cử tri ngành y, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, nhiều cử tri sợ sẽ thiếu Covid-19 để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đảm bảo lượng vaccine lớn trong thời gian tới.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong tháng 10, dự kiến khoảng 600 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ về nước. Trong đó, lượng vaccine tối thiểu sẽ tiếp nhận là 120 triệu liều.
"Theo kế hoạch, nhiều khả năng, cả nước sẽ bao phủ vaccine Covid-19 cho hơn 70% tổng số người trên 18 tuổi", ông Trần Văn Thuấn nhận định.
Đối với vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, ông Trần Văn Thuấn chia sẻ Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch cho việc này. Dự kiến, vaccine Covid-19 sẽ được tiêm cho trẻ 12-17 tuổi từ tháng 10 năm nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, trước mắt, nguồn vaccine tiêm cho trẻ dự kiến từ số vaccine Pfizer sắp về Việt Nam và 2 loại vaccine của Cuba mà Chính phủ đã đặt vấn đề mua.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thông tin về việc bao phủ vaccine Covid-19 cho trên 70% dân số là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch. Khi chuyển chiến lược từ "Zero Covid" sang vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM và các tỉnh, thành cần tăng tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vaccine Covid-19.
"Việc nâng cao độ bao phủ vaccine Covid-19 và tăng cường năng lực điều trị cần gắn liền với nhau. Với việc số ca mắc mới còn tăng thì tốc độ tiêm chủng vẫn cần được đẩy nhanh", Chủ tịch nước quán triệt.
Vấn đề thứ 2 được Chủ tịch nước lưu ý TPHCM là cần kiểm soát rủi ro về dịch bệnh trên quy mô rộng hơn. Trong đó, hệ thống y tế dự phòng, y tế xã hội cần phát huy vai trò của mình, kiểm soát sự lây nhiễm tại tất cả điểm đến khi mở cửa lại.
"Vừa qua, hơn 30.000 lực lượng đã tăng cường cho TPHCM dập dịch. Trong bối cảnh lực lượng này đang rút dần, trách nhiệm của hệ thống y tế TPHCM là rất lớn", Chủ tịch nước nhìn nhận.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà nước cũng lưu ý, khả năng bùng phát dịch Covid-19 của Đồng bằng Sông Cửu Long thời gian tới sẽ tạo sức ép lớn cho cả vùng Nam bộ. Khi lực lượng chi viện Trung ương rút khỏi miền Nam, TPHCM cần chia lửa cho các tỉnh miền Tây.
"Với trách nhiệm là trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất vùng, TPHCM sẽ không chỉ lo cho người dân trên địa bàn và cả người dân các tỉnh, thành miền Tây trong thời gian tiếp theo", Chủ tịch nước yêu cầu.
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-du-kien-tiem-vaccine-covid19-cho-tre-1217-tuoi-tu-thang-10-20211009121833939.htm#dt_source=Cate_SucKhoe&dt_campaign=DocNhieuNhatChuyenMuc&dt_medium=1