Thế giới cũng như Việt Nam đang tập trung mọi biện pháp để ứng phó với sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, vào giữa tháng 11, Nam Phi ghi nhận trung bình khoảng 300 ca mắc mới/ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng vọt với 11.535 ca trong ngày 2/12 cao gần gấp ba so với mức 4.373 ca của ngày 1/12.
Ngày 2/12, Viện các dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi cho biết nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca tái mắc Covid-19 do biến thể Omicron. Những người từng mắc Covid-19 đã được bảo vệ trước biến thể Delta, song hiện giờ sự bảo vệ này trước biến thể Omicron dường như không có tác dụng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định việc tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ vẫn giúp người mắc tránh được nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong. Xu hướng tái mắc Covid-19 cũng được thể hiện tại các biểu đồ mô phỏng số ca mắc mới trên toàn dân số. Dự kiến số ca mắc Covid-19 có thể sẽ tăng theo cấp số nhân tại tất cả các tỉnh tại Nam Phi.
Omicron có nguy cơ tiếp tục lan rộng sang nhiều quốc gia khác
Trước nguy cơ biến thể Omicron có thể trở thành chủng virus phổ biến trong các ca nhiễm mới tại châu Âu trong vòng vài tháng tới, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đưa ra khuyến nghị về cách "tiếp cận đa tầng", bao gồm vaccine, giữ khoảng cách và thông gió đầy đủ cùng với việc xét nghiệm Covid-19 và cách ly những người trở về từ các nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này.
ECDC ước tính với dữ liệu ban đầu thu thập được ở Nam Phi, biến thể Omicron có thể chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc tại châu Âu trong vài tháng tới.
Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore ngày 2/12 thông báo phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đều là những trường hợp nhập cảnh và không tiếp xúc với bất kỳ ai trong cộng đồng. Trong khi đó, Cục Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang truy vết khoảng 783 khách từ châu Phi nhập cảnh nước này từ ngày 15/11 để xét nghiệm tầm soát biến thể Omicron nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng.
Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 cho biết WHO hy vọng sẽ có thêm thông tin về khả năng lây truyền của biến thể mới Omicron trong vòng vài ngày tới. Khả năng biến thể mới dễ lây lan hơn biến thể Delta, tuy nhiên, chưa thể biết được biến thể Omicron có làm cho người bệnh trở nặng hơn hay không.
WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron đồng thời khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine bắt đầu lập kế hoạch và chuẩn bị cho khả năng phải điều chỉnh công thức vaccine ngừa Covid-19 hiện có.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian, nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay.
Vì vậy, các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát do biến thể Delta. Theo đó, các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Virus chưa có sự biến đổi về đường lây
Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc hàng ngày trong cộng đồng, số mắc mới đang có xu hướng gia tăng những ngày gần đây. Dịch bệnh lưu hành rộng, luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào. Sự lây lan nhanh của biến thể mới trên thế giới cũng làm tăng nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới vào nước ta.
Vì vậy các địa phương cần chủ động giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, xây dựng kịch bản đáp ứng với tình huống dịch Covid-19 trước biến chủng mới.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết nếu biến chủng mới lây lan nhanh thì việc xâm nhập vào nước là ta không cản được. Biến thể Delta chỉ mất vài tuần để lây lan ra 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu đúng biến chủng mới này lây lan nhanh gấp 500 lần Delta thì sẽ như thế nào.
Theo ông, để ứng phó với biến thể này, Việt Nam nên tạm dừng các chuyến bay từ một số nước châu Phi về, chú ý người đi qua nước thứ 2 về. Đồng thời, làm tốt kiểm dịch y tế biên giới - khách nhập cảnh vào cần được xét nghiệm, cần thiết làm giải trình tự gen ca nghi ngờ.
Ở trong nước thì cần căn cứ theo yếu tố dịch tễ, điều tra lấy mẫu, xét nghiệm giải trình tự gen xem liệu biến thể đã vào Việt Nam hay chưa. Hệ thống giám sát cần nâng cao cảnh giác vì biến chủng mới lây lan nhanh. Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Với người dân cần thực hiện tốt 5K vì 5K giúp cản trở lây nhiễm. Omicron là biến chủng mới nhưng vẫn là bệnh lây qua đường hô hấp dù lây nhanh, vẫn là giọt bắn. Virus chưa có biến đổi về đường lây. Lúc này điều chúng ta cần làm là nâng cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn các tình huống đối phó vì tất cả những thông tin về biến chủng này chưa có gì rõ ràng, đang nghiên cứu", TS Phu nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng biến chủng này gây triệu chứng bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, theo ông điều này cũng chưa rõ vì mới nghiên cứu được ít đối tượng nhiễm, người nhiễm cũng chủ yếu là người trẻ, chưa nghiên cứu được các đối tượng dễ tổn thương, chưa gây bệnh nặng và tử vong nhiều nên chưa đánh giá được mức độ nặng nhẹ của biến chủng.
"Đến nay chúng ta vẫn có rất ít thông về biến chủng mới này: tốc độ lây lan, mức độ gây bệnh nặng hay nhẹ, có "thoát" vaccine, tất cả còn ở phía trước. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với quốc tế để nghiên cứu cũng như có biện pháp ngăn ngừa trước khi dịch xâm nhập vào", TS Phu nói.