Báo cáo tại cuộc họp chiều 14/9 về việc sản xuất thuốc, vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế cho biết nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu vắc xin đã nộp hồ sơ hoàn thiện, bổ sung về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vắc xin Nano Covax. Vì thế, ngày 15/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định kết quả thử nghiệm lâm sàng của vắc xin.
Nếu được Hội đồng Đạo đức thông qua, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ tiếp tục họp xem xét hồ sơ để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 22/8, Hội đồng Đạo đức đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a vắc xin Nanocovax và chuyển hồ sơ sang Hội đồng cấp phép để xem xét cấp phép khẩn cấp.
Trong cuộc họp ngày 29/8, Hội đồng cấp phép đã đề nghị các đơn vị cập nhật, bổ sung dữ liệu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ đối với vắc xin Nanocovax, để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách.
Theo Bộ Y tế, ngoài Nanocovax, hiện Việt Nam còn 2 ứng viên vắc xin phòng Covid-19 đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có kết quả phục vụ đăng ký lưu hành vắc xin trong nước, ít nhất có một vắc xin được cấp phép lưu hành.
Với vắc xin Covivac, ngày 15/9, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Bình.
Bộ Y tế đã cho phép triển khai "cuốn chiếu" giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của vắc xin ARCT-154 chuyển giao công nghệ từ Mỹ, để đảm bảo tiến độ triển khai trước 20/12 phải có đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một, 2, 3.
Một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán, ký kết thỏa thuận để triển khai thử nghiệm lâm sàng và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất một số loại vắc xin từ nước ngoài.
Các chuyên gia, nhà khoa học lưu ý những dự án sản xuất vắc xin tại Việt Nam rất khả quan và đến năm 2022 sẽ đi vào hoạt động. Vì thế, cần tính toán chiến lược mua, nhập khẩu và thậm chí tiến tới xuất khẩu vắc xin.