Kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm 2019, cho tới nay, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Brazil chiếm một nửa trong tổng số ca tử vong toàn cầu. Theo Đại học Johns Hopkins, chỉ riêng Mỹ đã ghi nhận hơn 740.000 ca tử vong, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu đại dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc? Hay khi nào nó sẽ trở thành bệnh đặc hữu, tương tự bệnh cúm mùa?
SCMP dẫn lời các chuyên gia cho biết, con đường tương lai của đại dịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tiêm vắc xin.
Con số tử vong thực tế cao hơn thống kê chính thức?
Theo SCMP, con số tử vong thực tế do Covid-19 trên toàn cầu được cho là cao hơn nhiều so với số liệu 5 triệu người dựa trên các báo cáo hàng ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính con số tổng thể có thể cao hơn từ 2-3 lần. Tạp chí Economist đã xem xét tỷ lệ "tử vong vượt mức" và cho rằng số người chết vì Covid-19 có thể lên tới 17 triệu người.
Giáo sư Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học của Viện Pasteur tại Pháp, cho biết: "Với tôi, con số đó có vẻ đáng tin hơn". Nhưng dù thế nào đi nữa, số người chết vẫn thấp hơn so với các đại dịch lịch sử khác như: cúm Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng 50-100 triệu người tử vong trong năm 1918-1919, hay đại dịch AIDS vốn khiến hơn 36 triệu người chết trong hơn 40 năm qua.
Tuy nhiên, ông Jean-Claude Manuguerra tại Viện Virus của Pháp cho biết Covid-19 lại "khiến nhiều chết trong một thời gian ngắn". Theo ông, đại dịch lần này có thể còn kịch tính hơn rất nhiều nếu các nước không áp dụng tất cả các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là hạn chế đi lại và sau đó là tiêm vắc xin.
Theo ông Fontanet, tại một số quốc gia phát triển, Covid-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu, có thể nặng hơn cúm trong một số năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ dần ổn định.
Các biến chủng mới ra sao?
Nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay là nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới kháng vắc xin.
Chủng Delta xuất hiện đã khiến cả thế giới điêu đứng trong vòng quay của đại dịch, khi nó có khả năng lây lan nhanh chóng hơn rất nhiều so với những chủng trước đó như Alpha và cả những chủng xuất hiện sau như Mu hoặc Lambda.
Vấn đề đáng lo ngại hơn nữa như các chuyên gia dự đoán là khả năng chính Delta sẽ tự đột biến và có thể kháng vắc xin.
"Delta là chủng virus chính. Vì vậy, theo thống kê, chúng tôi lo ngại sẽ xuất hiện một biến chủng của biến chủng", ông Manuguerra nói.
Các nhà chức trách Anh đang theo dõi một biến chủng phụ của Delta có tên là AY.4.2. Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy nó không có khả năng kháng vắc xin. Nhưng chuyên gia Manugerra lưu ý: "Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ bộ gen nhằm nhanh chóng phát hiện các biến chủng khác nhau".
Theo ông Manugerra, điều này sẽ giúp các nhà khoa học nhanh chóng xác định các biến chủng và biết liệu chúng có nguy hiểm hơn, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn và đặc biệt là có nguy cơ kháng vắc xin hay không.
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-gioi/so-nguoi-chet-vi-covid19-toan-cau-vuot-5-trieu-dieu-gi-xay-ra-tiep-theo-20211102083925343.htm#dt_source=Home&dt_campaign=Top3&dt_medium=2