Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mở rộng chiều 30/8, lãnh đạo TPHCM đã điểm lại những kết quả trong công tác phòng, chống Covid-19 từ ngày 23/8 đến nay và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho quãng thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, chặng đường đẩy lùi dịch Covid-19 của TPHCM còn nhiều gian truân, nhưng bước đầu, thành phố đã có thêm niềm tin để đạt những mục tiêu đề ra. Thành phố không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi, nhưng cũng không thể nới rộng khi chưa đủ điều kiện.
"Từng người phải củng cố cho mình một niềm tin, vũ trang cho mình một vũ khí sắc bén, hành động với vai trò, trách nhiệm cao nhất, tận dụng thời cơ vàng, tăng tốc thực hiện theo kế hoạch đề ra", ông Nguyễn Văn Nên quán triệt.
Tập trung cho công tác xét nghiệm, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, đảm bảo giãn cách xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh - là những vấn đề được TPHCM tập trung trong tuần đầu tiên thực hiện các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội.
7 ngày siết chặt giãn cách
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, với việc kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", lượng phương tiện, lượt người lưu thông trên đường tại TPHCM đã giảm hơn một phần ba so với trước ngày 22/8. Người dân cơ bản chấp hành theo yêu cầu của TPHCM, tuy nhiên, vẫn còn một số ít người dân ra ngoài không có lý do chính đáng.
Cùng với đó, TPHCM đã mở rộng việc triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. Công tác xét nghiệm của TPHCM được tập trung thực hiện tại khu vực nguy cơ cao, rất cao nhằm nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng.
"Trong 7 ngày qua, số ca mắc Covid-19 phát hiện được của TPHCM tăng cao. Bình quân mỗi ngày, địa bàn phát hiện khoảng 4.800 ca dương tính SARS-CoV-2", Phó Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.
Đối với việc tiêm vắc xin Covid-19, TPHCM đã tiêm cho hơn 6,1 triệu người từ đầu chiến dịch tới nay. Tiến độ tiêm chủng của thành phố đạt 87,3% so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Trung tâm An sinh TPHCM đã hỗ trợ hơn một triệu túi an sinh cho người dân trên địa bàn trong tổng số 2 triệu túi. Ngoài các túi an sinh của thành phố, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã kịp thời hỗ trợ người dân bằng nguồn lực địa phương, huy động nguồn lực xã hội.
"TPHCM đã nỗ lực thực hiện phương châm "không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc". Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân bức xúc vì chưa được hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đồng đều. Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân", ông Dương Anh Đức nhìn nhận.
Thêm 2 triệu túi an sinh, không để bà con thiếu đói
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục khắc phục khó khăn để đạt kết quả cao nhất trong đợt giãn cách. Cụ thể, đến ngày 15/9, thành phố cần kiểm soát được dịch Covid-19 ở mức độ nào đó.
"Đây là mong muốn của cả hệ thống chính trị, người thành phố, của các lãnh đạo Trung ương, đồng bào cả nước. Chúng ta phải quyết tâm hành động vì TPHCM, vì cả nước", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn xác định vai trò của mình trong tổ chức lực lượng vận động nhân dân, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Các địa phương cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin Covid-19, cố gắng tuyên truyền để những người chưa tiêm mũi một hoàn thành việc tiêm mũi một. Các lực lượng tăng cường đội tiêm, giờ tiêm… để đạt mục tiêu đến 15/9, thành phố cơ bản hoàn thành mũi một, hầu hết người đến thời điểm tiêm mũi 2 đều được tiêm. Bên cạnh đó, đội ngũ shipper, lực lượng hậu cầu, các lực lượng tham gia việc mở cửa kinh tế sau này cần được ưu tiên tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Ngành y tế cần tập trung cho công tác chăm sóc F0 tại nhà, phát huy vai trò của trạm y tế, trạm y tế lưu động. Đối với việc điều trị tại viện, cần nâng cao năng lực điều trị tiếp nhận tại tầng 2, tầng 3.
Ông Phan Văn Mãi dự báo, nhu cầu nguồn cung hàng thời gian tới sẽ lên rất lớn. Các đơn vị liên quan cần bàn bạc, đánh giá nhu cầu, tổ chức nguồn hàng, thực hiện cung cấp hàng hóa. Sở Công Thương rà soát cho mở cửa các cửa hàng bị đóng, đảm bảo ít nhất mỗi phường xã, có một điểm cung ứng.
Thời gian tới, Trung tâm An sinh cần sớm hoàn thành trao 2 triệu gói an sinh. Ông Phan Văn Mãi đề nghị Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chỉ đạo chuẩn bị thêm 2 triệu túi an sinh mới từ nguồn ngân sách với tinh thần "không để bà con thiếu đói".
Ngoài ra, từng phường, xã, thị trấn, từng pháo đài phải tổ chức mạng lưới để tiếp nhận, xử lý thông tin. Ở từng tổ, khu phố, xã, phường, thị trấn khi người dân cần nhu cầu về y tế, an sinh phải được tiếp nhận, xử lý.
Chặng đường còn gian truân
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, qua việc xét nghiệm tầm soát ở "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng", tỷ lệ F0 được ghi nhận là 3,8%. Số ca bệnh lây lan trong cộng đồng ở mức độ có thể kiểm soát, xử lý, điều trị.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho rằng, điều này có nghĩa khi nhân dân đã chấp hành giãn cách có hiệu quả, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 suốt thời gian qua.
Công tác y tế đã được triển khai đúng tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng là xét nghiệm thần tốc, tiêm vắc xin khẩn trương, điều trị F0 có hiệu quả kéo giảm các ca tử vong, các đơn vị đã tập trung chăm lo cung ứng hàng hóa thiết yếu, an sinh xã hội.
"Đó chỉ là kết quả của bước đầu, nhưng bước đầu rất quan trọng. Một tuần đầu tiên của 4 tuần, thành phố vừa khởi động, vừa vượt chướng ngại vật, để đạt những kết quả quan trọng, làm tiền đề cho các bước tiếp theo, hoàn thành kế hoạch theo chỉ tiêu của Nghị quyết 86", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, khi thành phố yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó", người dân ngồi một chỗ, đứng yên một nơi thì phát sinh rất nhiều vấn đề. Thành phố đang đối diện với những vấn đề khó, khối lượng công việc lớn, phức tạp, đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo, ứng phó nhanh các vấn đề phát sinh.
Từ lý do trên, các đơn vị phụ trách công tác an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa phải ngồi lại, bàn kỹ, sắp xếp ngăn nắp từ nắm nguồn, cung ứng nguồn đến đối tượng phân phối, phân bổ, vận chuyển… công khai minh bạch cho người dân. Sở Y tế cần thành lập đoàn, dược sĩ tới từng trung tâm quận, huyện hỗ trợ việc phân bổ thuốc.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, thành phố không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi, nhưng cũng không thể nới rộng, khi chưa đủ điều kiện. Thành phố cần đạt những điều kiện cần và đủ tương đối mới có thể nới rộng các giải pháp.
"Lúc này, chúng ta cần hết sức bình tĩnh, củng cố, cố gắng để vượt qua. Cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm nhiều hơn nữa vì người dân đang hy vọng vào mình", ông Nguyễn Văn Nên đề nghị.
Trong 7 ngày thực hiện các biện pháp siết chặt, tăng cường giãn cách xã hội, TPHCM đã mở rộng xét nghiệm Covid-19 với người dân ở "vùng đỏ", "vùng cam". Toàn địa bàn đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu test nhanh cho người dân, phát hiện hơn 64.000 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Trong tuần qua, 11.177 chiến sĩ, bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu chi viện cho TPHCM. Bên cạnh đó, 786 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an, hơn 4.600 nhân sự thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng được tăng cường cho thành phố.
Đối với công tác an sinh, TPHCM đã chuyển hơn 960.000 túi an sinh đến thành phố Thủ Đức, các quận, huyện suốt thời gian qua. Ngoài ra, thành phố cũng vận động được hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng, với tổng kinh phí hơn 158 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số bất cập sau 7 ngày siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, lực lượng chức năng đã lập biên bản hơn 6.000 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-lam-duoc-gi-sau-7-ngay-siet-chat-gian-cach-20210830102158357.htm