Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất với UBND TPHCM thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 22/10.
Trẻ béo phì, bệnh nền nên tiêm ở bệnh viện
Theo ghi nhận của phóng viên, các quận huyện và TP Thủ Đức đã bắt đầu tiến hành công tác chuẩn bị, rà soát danh sách học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 ở địa phương. Ngoài ra, các bệnh viện nhi đồng cũng đang chờ để được phân bổ vaccine Covid-19.
Song song với tâm trạng háo hức chờ đợi, một số phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của trẻ, nhất là với những người có con mang cơ địa béo phì hay có những bệnh nền mạn tính tim mạch, ung thư…
Trao đổi với Dân trí vào sáng 17/10, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, có một số lưu ý về tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ mà phụ huynh cần nắm.
Thứ nhất, bé phải được khám sàng lọc trước tiêm kỹ. Bố mẹ phải nắm vững về tiền sử tiêm chủng ở trẻ, có dị ứng với thức ăn hay loại vaccine nào trước đó hay không, đã từng bị phản ứng phản vệ chưa. Thứ hai, trẻ có đang mắc bệnh nền mãn tính và đang uống thuốc điều trị nào hay không.
Khi sàng lọc, bác sĩ sẽ hỏi thêm về tri giác, nhịp thở, hô hấp và đo nhiệt độ, nhịp tim. Các trẻ bị bệnh lý nền, bệnh béo phì sẽ được ưu tiên tiêm chủng vì nhóm này khi mắc Covid-19 dễ trở nặng hơn những nhóm trẻ khác.
Theo bác sĩ Quy, người tiêm chủng cần quyết đoán chứ đừng vì những triệu chứng nhất thời, ví dụ như trẻ có sốt nhẹ, hay người nhà lo lắng quá mà hoãn tiêm, vì đây không phải là triệu chứng chống chỉ định.
Bác sĩ nhấn mạnh, nhóm thừa cân béo phì, có bệnh nền mạn tính nên tranh thủ tiêm. Ở BV thời gian qua, đa số trẻ phải nhập viện, thở máy, thở oxy nằm ở nhóm này.
Nếu quá lo lắng việc trẻ có thể gặp biến chứng, nên đưa trẻ đến tiêm ở môi trường BV để được xử trí kịp thời, thay vì tiêm trong cộng đồng. Cha mẹ nên nghĩ rằng đây là cơ hội, không chỉ với trẻ mà còn với cộng đồng.
Thầy cô, người chăm sóc cũng phải được ngừa Covid-19
Bác sĩ Quy cho biết thêm, sau khi tiêm trẻ vẫn cần được ở lại 30 phút sau tiêm, cũng như được theo dõi thêm 24 tiếng đồng hồ về sinh hiệu, tri giác. Thậm chí có thể theo dõi đến tuần thứ 3 sau tiêm, để xem có phản ứng muộn màng gì hay không.
Phổ biến là phản ứng ở vị trí tiêm, đa số trẻ hay bị nhiều hơn người lớn, với biểu hiện sưng nóng, đỏ, đau tại chỗ. Lúc này, người nhà có thể xử trí bằng cách cho uống Paracetamol giảm đau. Bác sĩ Quy khuyến cáo, phụ huynh không nên sử dụng cách dân gian vẫn còn rất phổ biến là đắp lá, đắp khoai tây lên chỗ tiêm để trị sưng nóng. Đây là phương pháp sai.
Bác sĩ Quy đặc biệt lưu ý, mặc dù trẻ đã tiêm ngừa xong nhưng còn phải trở lại trường học, hòa nhập cộng đồng, do đó đối tượng cán bộ giảng, giáo viên, người chăm sóc trẻ cũng phải được tiêm ngừa.
Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho rằng khi nguồn vaccine còn hạn chế, có thể ưu tiên tiêm trước cho đối tượng trẻ nguy cơ, có bệnh lý nền, béo phì, là những trường hợp dễ trở nặng.
Theo bác sĩ Việt, hầu hết trẻ nhiễm Covid-19 nói chung không có các bệnh lý đặc biệt như người lớn, cơ thể đang phát triển nên dễ dàng vượt qua. 80% trẻ nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như ho, sốt không đáng kể. Chỉ khoảng 10% chuyển biến nặng cần phải vào khu hồi sức cấp cứu, thở oxy…
Dù được tiêm vaccine, phụ huynh phải vệ sinh mũi họng, răng miệng thường xuyên cho trẻ. Việc 5K và giãn cách cũng cần tuân thủ.
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-em-beo-phi-co-benh-nen-can-tiem-vaccine-covid19-the-nao-cho-an-toan-20211017111600308.htm#dt_source=Cate_SucKhoe&dt_campaign=MainList&dt_medium=13