Ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên họp trực tuyến với 4 địa phương gồm TPHCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc xin với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng TPHCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% số lượng vắc xin được phân bổ trên cả nước.
Đến nay, TPHCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vắc xin đủ để bao phủ 100% mũi một cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi một.
Đến ngày 5/9, 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vắc xin và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%).
Cục Y tế dự phòng cho biết TPHCM đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vắc xin (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi một, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vắc xin đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.
Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.
Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vắcxin.
Bình Dương đã tiêm hơn một triệu liều vắc xin, tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.
Vì sao tỷ lệ sử dụng vắc xin còn thấp?
Lý giải vì sao tỷ lệ sử dụng vắc xin còn thấp, đại diện lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết một phần do lượng vắc xin của các địa phương tiếp nhận lớn. Quyết định phân bổ vắc xin gần đây nhất mới được ban hành ngày 30/8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tăng tốc tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm.
Lấy ví dụ tại Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết 2 ngày tới đây sẽ hoàn tất tiêm 750.000 liều vắc xin Sinopharm mới tiếp nhận cách đây vài ngày. Sau đó, tỉnh sẽ tiêm hết 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer. Bình Dương ưu tiên tiêm mũi một cho người dân, phấn đấu đến ngày 10/9, 100% dân số trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm vắc xin.
Lý do thứ 2 là để đảm bảo vắc xin đủ để tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành phố cũng lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vắc xin phân bổ. Do đó, tỷ lệ vắc xin đã được sử dụng trên tổng vắc xin tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác tiêm vắc xin. Chẳng hạn, các địa phương có kế hoạch tổng thể nhưng lại chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện. Vấn đề báo cáo, nhập dữ liệu cũng chưa kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm và số cập nhật lên hệ thống bị chênh. Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu.
Thực tế, qua quá trình báo cáo, kiểm điểm, tổng số vắc xin đã tiêm ở 4 địa phương này là hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần một triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu lên Bộ Y tế, đạt 72% số vaccine đã tiếp nhận.
Theo dự kiến, trong tháng 9 và quý IV, lượng vắc xin về nhiều, đặc biệt với các loại vắc xin như AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm.
Thứ trưởng nhấn mạnh địa phương quán triệt nguyên tắc "vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm nhanh nhất". Theo đó, vắc xin về phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn vắc xin, có vắc xin nào tiêm ngay loại đó.
Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết về việc tiêm vắc xin vì sau ngày 15/9, mỗi quận, huyện sẽ áp dụng các hình thức giãn cách xã hội khác. Khi đó, mỗi địa bàn cần hình thức tổ chức tiêm khác nhau.
Thứ trưởng đề nghị kế hoạch chi tiết này phải hoàn thành trước ngày 10/9, trong đó cần tính toán việc tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên.
Thứ trưởng Tuyên cũng đề nghị TPHCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương nghiêm túc thực hiện Công điện 1102 của Thủ tướng. Trong Công điện này có nêu rõ chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nhập khẩu vắc xin. Tuy nhiên cần lưu ý 2 yêu cầu. Thứ nhất, doanh nghiệp muốn nhập khẩu vắc xin phải nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu. Thứ 2 là vắc xin phải rõ nguồn gốc, xuất xứ; khi về Việt Nam, vắc xin phải được Bộ Y tế cấp phép, thẩm định, tổ chức tiêm.
Về ý kiến tiêm vắc xin cho người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, Bộ Y tế đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá để hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, việc tiêm vắc xin vẫn thực hiện theo Quyết định 3802, trong đó người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-4-dia-phuong-nhan-nhieu-vac-xin-nhung-chua-tiem-het-20210906164347833.htm