Món ăn từ Gấc ngon và bổ dưỡng
5
Gấc là cây thực phẩm đặc biệt ở nước ta. Trái Gấc có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và rất nhiều loại vitamin. Các món ăn chế biến từ Gấc vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng chữa trị và phòng ngừa được nhiều loại bệnh ở trẻ em và người lớn…
Kết quả nghiên cứu khoa học cho biết, trong trái Gấc có chứa hàm lượng cao một số chất dinh dưỡng, nhân hạt gấc có chứa 55,3% lipít (chất béo); 16,6% protein (đạm); 2,9% gluco; 2,8% xenlulo; 6% nước; 11,7% chất khoáng; 2,9% chất vô cơ; 1,8% tanin… Ngoài ra còn có một lượng nhỏ các men photphotoba, invedaxa, nhất là có hàm lượng beta caroten (tiền vitamin A) rất cao… Vì thế, Gấc không chỉ giúp trẻ em phòng chống khô mắt, mờ mắt, phát triển trí tuệ, giúp phụ nữ có làn da hồng hào, tươi trẻ, tăng sức đề kháng với bệnh tật mà còn giúp nam giới ngăn chặn nguy cơ ung thư gan, u xơ tuyến tiền liệt…
Ở miền Nam, trái Gấc hầu như có quanh năm, còn ở miền Bắc Gấc thường chín vào dịp cuối đông. Khi chọn Gấc, nên chọn những trái có dáng tròn đều, gai nở, vỏ ngoài màu đỏ cam, cầm nặng tay và quả còn nguyên vẹn, không bị vỡ hoặc giập vì sẽ mau hỏng không để lâu được. Gấc có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.
Xôi Gấc
Thịt trái Gấc được sử dụng để nấu các loại xôi, gọi là xôi Gấc. Vì sắc đỏ rất đẹp nên xôi Gấc được dùng nhiều trong các cuộc khao vọng, đình đám, các dịp lễ tết hay cưới hỏi.
Xôi Gấc là món ăn truyền thống của người dân Việt Nam.
Người ta dùng cơm trái Gấc và màng hạt Gấc, chế thêm một ít rượu trắng để trộn lẫn với gạo nếp sau đó đem nấu thành xôi, giúp cho món xôi có màu đỏ tươi và thơm ngon hấp dẫn. Đặc biệt, khi ăn xôi Gấc nhớ đừng bỏ lớp màng bao quanh hạt (áo hạt) vì phần này chứa các chất có tác dụng chống lão hóa, duy trì sự trẻ đẹp.
Xôi Gấc truyền thống là nấu gạo nếp với Gấc, nhưng để thay đổi hương vị, người ta còn làm Xôi Gấc đậu phộng. Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước qua đêm, vớt nếp ra để ráo. Đậu phộng cũng ngâm cho nở rồi nấu chín mềm. Trái Gấc bổ đôi, lấy thịt Gấc đánh nhuyễn với ít rượu trắng, sau đó trộn đều Gấc với nếp, rồi đậu phộng, muối, đường. Cho tất cả vào xửng hấp khoảng 20 phút, mở nắp rưới nước cốt dừa lên, trộn đều, đậy nắp lại nấu thêm đến khi nước dừa thấm và xôi chín mềm. Múc xôi ra đĩa ăn nóng, có thể tùy ý rắc thêm dừa tươi nạo.
Bánh chưng Gấc:
Bánh chưng Gấc cũng được làm tương tự: Gạo nếp vo sạch, ngâm nước qua đêm, vớt nếp để ráo rồi trộn với thịt Gấc đánh nhuyễn với một chút xíu rượu trắng. Sau đó gói và luộc bánh chưng như bình thường. Bánh chưng Gấc có màu đỏ đẹp, rất hấp dẫn. Ngoài ra, còn rất nhiều loại bánh làm từ Gấc như Bánh gai Gấc, Bánh ít Gấc, Bánh tét Gấc, Bánh in Gấc…
Bò kho Gấc:
Thịt bò kho Gấc cũng là món dễ làm và khá đặc biệt nhờ hương vị và màu sắc của Gấc. Thịt bò lựa thịt bắp hoặc gàu tùy ý thích, rửa sạch, cắt miếng vuông. Gấc tách lấy thịt, trộn đều với ít rượu trắng. Ướp thịt bò với Gấc, nước mắm, bột ngọt, đường và gừng tươi đập giập. Bắc nồi lên, cho dầu Gấc vào, dầu sôi, cho thịt bò vào xào cho đến khi săn lại, thêm nước vào rồi nấu tiếp đến khi thịt bò thấm và mềm là được. Có thể kho bằng nồi áp suất cho nhanh mềm. Món bò kho này dùng với cơm trắng rất ngon
Các món xốt Gấc:
Gấc cũng có thể dùng nấu trong các món hải sản như món Cá xốt Gấc. Cá điêu hồng hoặc các loại cá tùy thích đem ướp với ít muối rồi chiên vàng, để ráo dầu. Thịt Gấc hòa với rượu trắng. Bắc chảo lên bếp, đổ vào chảo ít dầu Gấc, dầu nóng cho hành tỏi băm nhuyễn vào phi thơm, cho tiếp cà chua băm nhuyễn cùng thịt Gấc vào, nêm nếm gia vị nước xốt cho vừa ăn. Nếu thích ăn cay, hãy thêm chút tương ớt, rưới nước xốt lên cá. Món xốt này dùng nóng với cơm trắng.
Các món ngon từ Gấc.
Biến tấu một ít với nguyên liệu, bạn sẽ có ngay món Chả cua xốt Gấc khá lạ và thích hợp cho trẻ nhỏ. Xốt Gấc cũng chế biến như món Cá xốt Gấc, nhưng chỉ xào Gấc và nêm nếm gia vị, không cho cà chua băm nhuyễn vào mà thay bằng hành tây cắt sợi. Cua nguyên con hấp chín, gỡ lấy thịt, trộn với giò sống và một ít xốt Gấc cho đều rồi vo viên, đem hấp chín. Khi ăn, rưới xốt Gấc lên trên mặt chả cua, dùng món khi còn nóng càng ngon.
Ngoài ra, có rất nhiều món được chế biến với Gấc như Sườn Xào Gấc; Mực Nướng Gấc; Cá Xốt Gấc; Salad Gấc; Giò sống nấu Gấc; Tôm xào Gấc; Súp Gấc; Cơm rang Gấc; Gà quay xôi Gấc hạt Sen…
Cơm Gấc cuộn rong biển:
Cơm Gấc cuộn rong biển.
Món cơm Gấc cuộn rong biển cũng dễ chế biến. Gạo vo sạch ngâm khoảng 30 phút rồi cho vào nồi nấu sao cho như cơm làm sushi (món ăn của Nhật Bản). Hòa tan giấm gạo, đường, dầu Gấc và muối. Cơm chín đổ ra khay, rưới hỗn hợp giấm Gấc vào cơm khi còn nóng, rồi vừa trộn vừa xới cho cơm thấm đều và ráo hơi nước. Trải miếng rong biển ra, rải một lớp cơm mỏng, cho một ít xốt mayonnaise, xếp thanh cua hoặc tôm luộc chín bóc vỏ lên, cuộn tròn lại cho chặt tay. Cắt cuộn cơm thành từng khoanh vừa ăn, dùng cơm với nước tương.
Lá Gấc non thái chỉ còn được dùng như một loại gia vị không thể thiếu trong món củ niễng xào rươi, một món ăn đặc biệt ở miền Bắc.
Các món ăn dùng dầu Gấc:
Chế biến những món ăn từ Gấc, hoặc nêm vài giọt dầu Gấc vào các món thường ngày giúp món ăn có màu đỏ đẹp tự nhiên để hấp dẫn và thêm bổ dưỡng cho con trẻ. Các món ăn có thể tận dụng thành phần Gấc là Chả giò Gấc; Trứng chiên dầu Gấc; Thịt cá kho, tôm rim, rau củ xào… thậm chí là món mì gói đơn giản cho thêm vài giọt dầu Gấc sẽ tăng thêm bổ dưỡng và bắt mắt.
Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu. Trong cơ thể, nó được tích trữ ở gan nên nếu dùng lâu ngày có thể gây ngộ độc. Ngộ độc cấp do dùng vitamin A quá liều gây tăng áp lực nội sọ, với các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn, thóp phồng ở trẻ còn bú, đau đầu vùng chẩm ở người lớn.
Chính vì vậy, việc bổ sung beta caroten từ nguồn thực phẩm là biện pháp an toàn và hiệu quả, vì beta caroten hoàn toàn không độc, nó chỉ chuyển dạng tùy theo nhu cầu của vitamin A trong cơ thể. Nếu dùng quá nhiều beta caroten chỉ gây vàng da, khi ngừng bổ sung beta caroten hiện tượng này sẽ hết và cũng không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe.
Người lớn mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2ml dầu Gấc, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn. Khi đã dùng dầu Gấc, chú ý không ăn đồng thời các rau quả giàu beta caroten như bí đỏ, cà rốt, đu đủ… trong cùng một ngày hoặc liên tục trong một thời gian, để tránh gây vàng da.
Trong quá trình sử dụng dầu Gấc, khi thấy có dấu hiệu vàng da thì nên tạm ngừng. Nếu người dùng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, trước khi dùng dầu Gấc nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để có hướng dẫn cụ thể.