Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi một từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Mới đây, Sở Y tế TPHCM đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho phép triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 22/10.
Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, số trẻ 12-17 tuổi thời điểm tháng 6/2021 ở địa phương là khoảng hơn 688.000 người. Số trẻ trong độ tuổi đi học (5-18 tuổi) là 18 triệu trẻ.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đang tham mưu cho Sở Y tế trình UBND TP Hà Nội về xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Hiện nay, tại các phường của Thủ đô cũng đang triển khai phát phiếu đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng trẻ em.
Thận trọng trong kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em
Về vấn đề tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dịch tễ nhận định rằng, cần thận trọng trong việc tiêm chủng. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng chặt chẽ, phù hợp với chiến lược chống dịch tổng thể.
Trao đổi với Dân trí, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam nhấn mạnh quan điểm, khi xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em, cần đặc biệt cân nhắc vấn đề nguồn cung vaccine cho các tỉnh có độ bao phủ vaccine thấp và đang đứng trước nguy cơ bùng dịch cao.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh nguồn cung vaccine ở Việt Nam đang hạn chế. Chiến lược vaccine vẫn cần ưu tiên hàng đầu cho nhóm người có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.
"Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, độ bao phủ vaccine vẫn còn thấp, đặc biệt, trong thời gian gần đây dịch có dấu hiệu "nóng" lên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Chiến lược tổng thể về vaccine hiện tại vẫn cần phải dồn nguồn vaccine để bao phủ sớm nhất có thể cho người cao tuổi, người có bệnh nền để hạn chế tối đa tổn thất về sức khỏe, tính mạng mà dịch bệnh gây ra", TS Thu Anh phân tích.
Theo chuyên gia này, trẻ em là đối tượng có nguy cơ thấp trước dịch Covid-19. Lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em cần được tính toán thật kỹ để không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine cho những đối tượng yếu thế trước dịch như đã đề cập. Hiện có nhiều loại vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu để tiêm chủng trên đối tượng trẻ em.
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/tiem-phong-tre-em-than-trong-de-nhom-nguy-co-cao-nhat-khong-thieu-vaccine-20211018155047757.htm#dt_source=Cate_SucKhoe&dt_campaign=Top3&dt_medium=2